
Câu văn hay chính là nền móng đầu tiên để
xây dựng lên những đoạn văn, bài văn hay. Một bài văn cũng tựa như một cái
thang và mỗi câu văn hay chính là một bậc thang mà chúng ta phải leo lên. Có những
bạn sẽ chọn cách leo vội để có thể chạm nhanh đến bậc thang cuối cùng. Nhưng
trong văn học, bạn càng bước thật chậm, thật vững chắc ở từng bậc thang thì nhất
định bạn sẽ tiến bộ. Điều đó có nghĩa là bạn hãy tỉ mỉ, kỹ càng và sáng tạo khi
xây dựng mỗi câu văn. Dưới đây là những bí kíp để viết những câu văn hay.
1.
Lựa chọn từ ngữ có
sức gợi tả nhất
Câu
văn “Những giọt sương đêm nằm trên những
cành lá.” là một câu đầy đủ và trọn vẹn về mặt ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu được
thay thế từ “nằm”, bạn sẽ chọn từ ngữ
nào để câu văn gợi tả sinh động hơn? Hãy thử với từ “long lanh”, chúng ta sẽ có câu văn “Những giọt sương đêm long lanh trên những cành lá”. Dễ nhận thấy, với
từ “long lanh”, câu văn giàu sức gợi
hơn.
Tương tự như vậy, “Những cánh bướm rập rờn khắp vườn hoa.” sẽ là câu văn gợi tả hơn “Những cánh bướm bay khắp
vườn hoa.”
Bạn có thể rèn luyện bắt đầu từ những cụm
từ:
Cánh đồng rộng è
Cánh đồng bát ngát
Con đường rộng è
Con đường thênh thang
Biển rộng è
Biển mênh mông
Ngọn núi cao è
Ngọn núi chót vót
Con đường
xa è Con đường tít tắp
…
2. Tạo ra phép so sánh, nhân hóa
Hầu hết các bạn đều biết tác dụng của phép
so sánh, nhân hóa nhưng chưa có thói quen sử dụng nó trong bài văn của mình.
Phép so sánh, nhân hóa luôn khiến sự vật trở nên giàu hình ảnh, sinh động và gần
gũi hơn. Ví như, từ câu văn “Những chú ve
kêu báo hiệu mùa hè về.” , bạn có thể tạo ra phép so sánh “Những chú ve như những chàng ca sĩ báo hiệu
mùa hè về” hay phép nhân hóa “Những
chú ve cất lên bản giao hưởng gọi hè về.”
Một vài phép so sánh, nhân hóa trong bài
văn chắc chắn sẽ tạo nên điểm nhấn cho bài văn của bạn.
3. Đảo trật tự từ
Đây là “mẹo” nhỏ khiến cho câu văn trở nên
mới lạ và ấn tượng hơn rất nhiều so với trật tự thông thường của nó. Như bạn biết,
“xanh thẳm” thường được dùng để miêu tả cho màu sắc của bầu trời hay nước biển.
Trong “Biển đẹp”, nhà văn Vũ Tú Nam
đã hai lần sử dụng màu xanh này trong cùng một câu văn. Tuy nhiên, nhà văn đã
có sử sáng tạo mới mẻ: “Trời xanh thẳm,
biển cũng thẳm xanh, như dâng cao lên, chắc nịch”. Nếu sử dụng từ “xanh thẳm” ở cả hai sự vật “trời” và “biển”,
chắc chắn câu văn sẽ nhàm chán, đơn điệu bởi sự lặp từ (xanh thẳm), nhưng việc đảo từ “xanh
thẳm” thành “thẳm xanh” ở sự vật
thứ hai lại tạo ra một ấn tượng lạ cho câu văn.
Với câu “Buổi sáng, dòng sông xanh biêng biếc.”, ta có thể đảo từ “Buổi sáng, dòng sông biêng biếc xanh.”
Hay câu “Trong vườn, hoa bưởi tỏa hương
ngan ngát.”, khi đổi trật tự từ, ta sẽ có câu mới lạ hơn “Trong vườn, hoa bưởi ngan ngát tỏa hương.”
Dương Hằng