
1. Diễn xuôi thơ
Diễn xuôi thơ tức
là không biết ý thơ nên chỉ vin vào câu thơ mà diễn. Đây là lỗi thường gặp nhất
khi cảm thụ về nội dung ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ. Nhiều bạn đang "biến
hóa" bài thơ thành một bài văn xuôi bằng cách thêm thắt một số từ ngữ của
mình. Thậm chí, một số bạn có tài biến hóa sẽ cảm thấy bài văn cảm thụ của mình
đã trọn vẹn kết hợp với văn phong mềm mại, uyển chuyển. Rất có thể bạn sẽ ngộ
nhận rằng việc cảm thụ cái hay cái đẹp của một bài thơ thật...nhẹ tựa lông hồng.
Ví như, trong bài
thơ "Bóng mây", nhà thơ Thanh Hào có viết:
Hôm nay trời nắng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả
ngày.
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày
bóng râm.
Đề bài yêu cầu cảm
nhận về tình cảm của em nhỏ dành cho mẹ. Và dưới đây là bài văn sau khi được
"biến hóa" của một bạn học sinh lớp 4:
Hôm nay, trời oi ả, nóng như thiêu như đốt. Thế nhưng,
mẹ vẫn vất vả phơi lưng cày cấy suốt cả ngày để nuôi em nhỏ khôn lớn. Chính vì
vậy, em nhỏ đã ước mình có thể trở thành đám mây để có thể che cho mẹ bóng râm
mát. Bài thơ cho em thấy em nhỏ rất yêu mẹ.
Bài viết dường như
chỉ đang "diễn lại" từng ý thơ, lời thơ. Người đọc vẫn chưa thấy được
cái hay, cái đẹp trong trong việc bộc lộ tình cảm của em nhỏ dành cho mẹ. Như vậy,
bài viết ngỡ như đã trọn vẹn ấy thực chất vẫn là sự hời hợt trong cách cảm nhận.
Cái đẹp của bài thơ chính là ở điều ước ngây thơ, hồn nhiên nhưng rất đỗi chân
thành, giản dị của em nhỏ. Từ đó, chúng ta thấy được một tấm lòng hiếu thảo, sự
thương yêu tha thiết mà em nhỏ dành cho người mẹ của mình.
2. Đi theo "lối mòn"
Đây là lỗi dễ nhận
thấy nhất là ở những đoạn văn, đoạn thơ viết về tình cảm của mẹ, của bà. Ở cấp
tiểu học, chúng ta đã khá quen thuộc với các tác phẩm viết về mẹ, về bà, về
tình cảm họ dành cho con, cháu. Chính sự quen thuộc ấy lại dẫn đến việc nhiều bạn
dễ cảm nhận các tác phẩm na ná nhau. Điều đó gây ra lối mòn trong quá trình cảm
thụ và bệnh lười suy nghĩ. Hãy cùng xem hai đề bài sau:
Đề 1.
Cho hai đoạn thơ sau:
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng
oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi
mẹ ru.
(Mẹ
- Trần Quốc Minh)
Đề 2.
Thời
gian chạy qua tóc mẹ
Một
màu trắng đến nôn nao
Lưng
mẹ cứ còng dần xuống
Cho
con ngày một thêm cao.
(Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương)
Ở mỗi đoạn thơ, đề
bài yêu cầu như sau: “Đoạn thơ cho em cảm nhận được điều gì đẹp đẽ về mẹ?”. Bắt
gặp đề bài quen thuộc, nhiều bạn không ngần ngại đặt bút:
Đoạn văn 1. Đoạn thơ thứ nhất trong bài “Mẹ” nói về
người mẹ ru con ngủ. Từ đó, em thấy được rằng người mẹ rất yêu thương con.
Đoạn văn 2.
Đoạn thơ thứ hai trong bài “Trong lời mẹ
hát” viết về người mẹ đã già yếu, lưng đã còng xuống để con khôn lớn. Từ đó, đoạn
thơ giúp em cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho con.
Ở cả hai câu văn
trên, dường như người viết chỉ mới nói được cái “ai cũng biết rồi” nhưng lại chưa
nói được cái hay trong từng đoạn thơ. Tình yêu thương của mỗi người mẹ dành cho
đứa con của mình luôn có một vẻ đẹp riêng. Ở đoạn thơ thứ nhất, người đọc có thể
cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc ấy qua sự nhẫn nại, kiên trì của người mẹ
khi ngồi hát ru con giữa trưa nắng hè oi ả. Còn đoạn thơ thứ hai, hình ảnh đối
lập “Lưng mẹ cứ còng dần xuống – Cho con ngày một thêm cao” để làm nổi bật sự
hi sinh thầm lặng của mẹ để cho con khôn lớn, trưởng thành.
Bạn thấy đấy, cảm thụ văn
học là một chặng đường khá gian nan nhưng nếu bạn biết đào sâu, lắng nghe từng
câu chữ thì cũng sẽ không mấy khó khăn để có thể tìm tòi, phát hiện ra cái hay
của tác phẩm.
Dương Hằng